23 C
Vietnam
Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024

ĐỨC TÔNG SƯ MINH TRÍ LÀ AI?

LƯỢC SỬ ĐỨC TÔNG SƯ MINH TRÍ
(đọc tại trung ương Tổ đình Hưng Minh Tự nhân Lễ Kỷ niệm lần thứ 57 ngày Đức Tông sư Minh Trí viên tịch)
• Tộc danh Ngài là NGUYỄN VĂN BỒNG, sanh năm Bính Tuất (1886) tại xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng tỉnh Sa Đéc, con của Đức ông Nguyễn Văn Bình và Đức bà Nguyễn Thị An.
• Mồ côi cha mẹ lúc thiếu thời, nhờ chị nuôi dưỡng đến trưởng thành. Theo Nho học, thừa thì giờ Ngài nghiên cứu Phật pháp.
• Năm 19 tuổi, vâng lịnh tỷ huynh thành lập gia đình.
• Năm 29 tuổi, trải bao cuộc tang thương biến đổi, với kinh nghiệm bản thân, Ngài khoát nhiên đại ngộ.
• Năm 33 tuổi, Ngài an trí thê nhi, ly gia cắt ái, vân du khắp chốn, dùng Y đạo cứu độ bịnh nhơn và truyền bá Phật giáo theo pháp môn Lễ Bái Lục Phương. Về sinh kế, Ngài buôn chiếu bán khoai độ nhựt.
• Năm 48 tuổi (1934), Ngài thành lập Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, mượn Hưng Long Tự tại Quận 10, Sài Gòn, làm Hội quán tạm. (Hiện vẫn còn ở đường Ngô Gia Tự).
• Năm 49 tuổi (1935) phát Phái Quy Y khắp Nam Việt và hiệp cùng môn đệ kiến trúc Hội quán Trung ương.
• Năm 50 tuổi (1936) khánh thành Hội quán trung ương Hưng Long Tự tại Phú Định, Chợ Lớn. (Nay là Tổ đình Hưng Minh Tự). Toàn thể tín đồ suy tôn Ngài là Tông Sư của giáo hội.
• Năm 62 tuổi (1947) thiên cư lên Sài Gòn vì thời cuộc.
• Năm 65 tuổi (1950) Ngài đề xướng PHƯỚC HUỆ SONG TU, dùng Y đạo thực hiện chủ nghĩa Từ bi bác ái của Phật Tổ.
• Viên tịch ngày 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958), thọ 73 tuổi.
• An táng tại Tổ đình Hưng Minh Tự.
************
1. THUỞ THIẾU THỜI
Đức ông và Đức bà có 6 người con, trong đó 3 người đều chết sớm, chỉ còn 3 người trưởng thành: Con gái thứ ba Nguyễn Thị Tời, trai thứ tư Nguyễn Văn Khiêm và trai thứ bảy Nguyễn Văn Bồng. Thuở ấy, làng Tân Mỹ vẫn còn hoang sơ, nhiều rừng bụi, lau sậy.
Gia tộc họ Nguyễn thuộc hàng trí giả, chuyên về nghề nông, định cư ở gần đầu vàm Rạch Giông nối với sông Tiền Giang (nay thuộc huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp).
Năm Bính Tuất 1886, vào một ngày đầu mùa Thu, trời sa mưa giông, hầu như mọi nhà ở Tân Mỹ đều bị ngập, nhiều vật dụng được kê lên cao. Khi ấy, Đức bà đã chuyển bụng từ nửa đêm, giờ khắc lâm bồn đã gần kề. Bấy giờ trời đã sáng tỏ, nhưng mây mù hãy còn bao phủ, gió vẫn thổi mạnh từng cơn. Thình lình một con chim bồng bồng bay tấp vào nhà tránh bão. Đức ông thương tình, sẵn có bếp lửa trên bộ ván, bèn bắt chim đem hơ cho ấm.
Bấy giờ người nhà ra báo tin Đức bà đã sanh một trai. Trong tay vẫn đang cầm con chim sưởi ấm bên bếp, Đức ông nghĩ đó là điềm lành, bèn đặt tên con là BỒNG.
Thuở nhỏ Ngài không ăn thịt cá được, hễ ăn vào thì mửa, chỉ ăn cơm với đường. Lần lần biết đi biết đứng, cụ bà ép cho ăn thịt cá một cách rất khó khăn. Khi Ngài lên 10 tuổi, cụ bà và cụ ông lần lượt qua đời. Với thể chất yếu đuối hay đau bệnh, lại sớm mổ côi, tuổi thơ của Ngài ở chốn ruộng đồng rất vất vả. Bà chị thứ Ba thương tình, đem Ngài về nuôi cho ăn học chữ Nho. Từ đây Ngài được săn sóc chu đáo, chẳng phải làm việc gì nặng nề. Nhà bà chị không làm nghề nông, chỉ bán tạp hóa, Ngài phụ biên chép sổ sách tên họ những người mua chịu, tới mùa đong lúa trả. Thỉnh thoảng, ông anh thứ Tư đưa Ngài đi thăm thú chùa chiền.
2. THỜI TRƯỞNG THÀNH
Lên 19 tuổi, bà chị và bà cô Năm (Hồ Thị Mỹ) ép phải thành gia lập thất nhưng Ngài tìm cớ thoái thác. Mãi rồi, Ngài ra một điều kiện: “Sau khi có vợ, bất cứ lúc nào, hễ Ngài muốn xuất gia tu hành, thì không ai được cản trở.”
Sau khi thương lượng, hai bên nhà trai nhà gái đều bằng lòng. Năm 20 tuổi, thành hôn với cô thiếu nữ ở miệt cù lao Cái Vừng.
Năm 21 tuổi sanh gái đầu lòng, quí danh là Nguyễn Thị Ðẩu.
Năm 24 tuổi sanh trai là cậu Nguyễn Văn Kiếu.
Năm 26 tuổi sanh gái là cô Nguyễn Thị Thê.
Năm 28 tuổi sanh gái là cô Nguyễn Thị Quế.
Trong thời gian lập gia đình, vẫn ở chung với bà chị thứ Ba. Lúc ấy chữ Nho của Ngài đã khá, bèn thừa Nho hoá Y. Nghề thuốc của Ngài rất có tiếng, chữa đâu mạnh đó, nổi danh khắp vùng, nhưng không lấy đó làm sinh kế.
Qua năm 29 tuổi, Ngài bắt đầu đau ốm liên miên không dứt. Khắp trong mình không chỗ nào là chẳng đau, độc nhứt là chứng đau bụng, hễ mỗi lần lên cơn là chết giấc gần cả giờ. Ngài tự bốc thuốc điều trị lấy mình, nhưng bịnh vẫn hoàn bịnh. Không thể để vậy mà chịu, Bà Cô bèn dự bị ghe cộ, cho người chở ra tỉnh thành, lại nhà thương cho bác sĩ Tây săn sóc. Hết bác sĩ nầy đến bác sĩ khác, hết tỉnh nọ đến tỉnh kia, không một nhà thương nào mà không đi đến, tất cả đều bó tay.
Sau khi Ðông y và Tây y vô phương điều trị, Bà Cô bèn cho chở tới các chùa Phật. Nghe nơi nào có danh sư, là có chở Ngài đến, bất luận xa xôi hoặc tốn kém.
Những lúc dưỡng bịnh tại các chùa các am, Ngài có dịp mượn kinh Phật chữ Nho để khảo cứu. Lạ lùng thay, Ngài xem tới đâu hiểu rõ tới đó. Dưỡng bịnh tại chùa nào, am nào, Ngài cũng đem Phật pháp ra thảo luận với vị Hoà thượng hoặc trụ trì tại đó. Tất cả những vị nầy đều lấy làm ngạc nhiên cho sự khảo xét sáng suốt của Ngài. Cả thảy đều công nhận Ngài là một bực thông minh tuyệt vời về chơn lý Phật pháp.
Ở nơi cửa Thiền dưỡng bịnh, Ngài trực nhớ lại lời giao kết trước khi có vợ. Lời nguyện ước xuất gia đầu Phật bừng sống lại. Trong thâm tâm lúc ấy dường như có một mãnh lực vô hình thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Nhưng bổn tánh nhà Nho nơi Ngài lúc nào cũng tam tư nhi hậu hành. Bất luận vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ, trước khi thi hành, cần phải suy xét cho thật chu đáo.
Ngài xét rằng: “Dù có xuất gia đầu Phật, học kinh điển Ðại thừa đi nữa, cũng chưa chắc thực hành đúng với ý nghĩa của Ðại thừa. Bởi vì, dầu có làm được một bực thạc đức đại danh đi nữa, cũng chưa chắc thâu phục được cả ngàn bổn đạo. Nếu tín đồ ít ỏi, làm sao thực hành Y đạo để hiện thật chủ nghĩa Từ bi Bác ái cứu thế độ nhơn cho xã hội được gội nhuần ân đức của Phật. Huống chi, nếu gạn lọc trong một ngàn tín đồ ấy, rốt lại có mấy người chịu hy sinh phục vụ đồng bào. Hơn nữa, đạo Phật còn có nhiều sứ mạng cao cả, tín đồ rời rạc ít ỏi, làm sao thực hiện?”
Căn cứ chỗ suy xét ấy và đem ra trả lời những ai rủ Ngài ở lại chùa kết bạn tu hành, cả thảy những vị Hoà thượng hoặc trụ trì đều cho Ngài là một bực Ðại chí, Đại hùng lực, Đại từ bi. Do sự nhận xét trên đây mà Ngài không chịu xuất gia đầu Phật, uổng công học kinh điển Ðại thừa mà hành Ðạo không hơn Nhị thừa. Ngài bèn tìm lối đi khác.
3. DU SƠN TẦM ĐẠO
Trong khi đó, chứng đau bụng ngày một thêm, ai cũng nói rằng do Ngài không chịu xuất gia theo lời nguyện ước nên đau như vậy. Trái lại Ngài nói rằng không phải.
Không có lối nào giải thoát bịnh chứng, Ngài nghĩ đến việc tầm sư học Ðạo. Nếu gặp được Minh sư thì chẳng những thỏa nguyện mà chứng đau bụng cũng dứt luôn.
Từ năm 30 tuổi, Ngài đi khắp năm non bảy núi ở vùng Thất Sơn (Tri Tôn, Tịnh Biên), vùng núi Tà Lơn (Kam Bốt).
Khi đó, Ngài toàn đi bộ, ghe thì gởi tại Châu Ðốc. Vẫn không gặp một vị Minh sư nào, Ngài bèn qua Nam Vang, rồi từ đó đi suốt các vùng Ðế Thiên, Ðế Thích. Ði tới đâu, vị tu sĩ nào, hoặc xuất gia, hoặc tại gia, đều kinh dị chỗ hiểu biết và chí nguyện cao cả của Ngài. Phần nhiều các vị tu sĩ ấy mời Ngài ở lại làm bạn tu hành, nhưng Ngài không nhận lời. Ngài nói rằng ai trị bịnh của Ngài được Ngài sẽ thọ giáo ở lại tu hành. Rốt lại, đi khắp hang sâu ngỏ hẻm, cả non cao đảnh thượng, tất cả động phủ lớn nhỏ, tuyệt nhiên không có một người nào trị được chứng bịnh của Ngài.
Có điều rất lạ, bịnh đau càng lâu thì tâm trí của Ngài càng sáng tỏ. Về sau, Ngài biết được là do sức vận chuyển của ngũ hành trong ngũ tạng làm cơ thể rung động nên mới phát đau.
Tới đây Ngài mới biết rằng bịnh của Ngài không ai trị được là tại sức vận chuyển của ngũ hành, mặc dầu nó làm cho ngũ tạng đau nhức, nhưng nó không phải là một chứng bịnh do ngũ tạng. Vấn đề tầm sư học đạo và chữa bịnh không thành. Thế là Ngài học Ðạo bằng Vô Sư Trí vậy.
Trải qua thời gian du sơn, gặp nhiều biến đổi, một hôm, trong khi thiền định Ngài khoát nhiên đại ngộ.
4. THỜI KỲ MỞ ĐẠO
Nhận thấy mình đủ khả năng đứng ra truyền bá giáo lý nhà Phật, năm 33 tuổi (1919-Kỷ Mùi), Ngài an trí thê nhi, ly gia cắt ái, lấy pháp hiệu là Trung Trí.
Khi ấy Ngài nhận xét rằng: “Đạo Phật quá cao sâu mầu nhiệm, các chùa bấy giờ chỉ lo tụng đọc, dân gian chưa biết Đạo Phật là gì, bỗng dưng ta đem đạo pháp tối thượng ra dạy, thế nào cũng thất bại. Chính mình trước tiên cũng nhờ pháp môn Lễ Bái Lục Phương. Trong buổi đầu mở Đạo, ta cũng phải dùng pháp môn nầy chớ không thể làm khác được.”
Với chiếc ghe lồng có mui và hai người chèo, Ngài đi cùng khắp Lục tỉnh để tìm người có căn, độ cho tu hành. Sự độ bịnh bằng Y đạo cũng rất giản tiện, Ngài xem mạch cho toa rồi tự thân hốt thuốc, không lấy tiền. Thỉnh thoảng cũng có nhà khá giả đền ơn rất hậu thì Ngài trả bớt lại. Về sinh kế, Ngài bán khoai làm phương tiện độ nhựt và cũng để tiện bề đi khắp nơi.
Từ năm 1920 trở đi, rất nhiều người được Ngài hóa độ theo tôn chỉ Lục Phương Tông, trì niệm Lục tự Di Đà và lạy Lục phương. Người dân thì gọi đạo của Ngài là “đạo Di Đà.” Thuở ấy các tín đồ tu hành theo pháp môn Lễ Bái Lục Phương đều lạy Phật, công phu ở trong mùng vì sợ bị Tây bắt.
Những khi Ngài lui ghe về trú tại gần đầu vàm Rạch Giông, đệ tử các nơi về xin điểm đạo rất nhiều. Bà Cô Năm thấy người phương xa tìm đến, Ngài thì ở dưới ghe, còn ghe cộ của tín đồ không có chỗ neo đậu, xúm xít quây nhau rất bất tiện. Lúc đó bà cô ở phía ngọn Rạch Giông, là nhà hữu sản, có đất vườn dư dả. Bà mời Ngài đến nhà bàn tính, hứa hiến nhà cho Ngài làm đạo. Từ ấy Ngài ở nhà bà Cô, ghe cộ các nơi về neo đậu rất thuận tiện.
Chợt một hôm, Bà Cô Năm xin được thọ giáo pháp, làm đệ tử của Ngài. Từ chối mãi không được, Ngài truyền thọ qui giới cho Bà. Về tình nghĩa cô cháu vẫn giữ như xưa, nên Bà Cô gọi Ngài là Thầy Bảy. Chẳng bao lâu bà phát huệ lục thông, tri quá khứ thông vị lai, không biết chữ mà vẫn tự nhiên ứng khẩu làm thi phú, người người khen ngợi. Từ đó, hễ tín đồ nữ có việc thì Ngài giao Bà Cô Năm đảm trách.
Bấy giờ, đệ tử rất đông đảo, người xin trị bịnh cũng không ít, Đức Ngài bàn với Bà Cô Năm rằng cần phải có người đủ năng lực để đảm đương công việc đang rất bề bộn. Sau đó, Bà Cô bảo tùy tùng cất khoai xuống ghe cui lớn, đồng thời bổ theo nhiều thuốc Bắc để Ngài đi các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá. Sau chuyến đi nầy, Ngài thu phục được sư cậu Nhan Văn Đống. Cũng trong thời gian nầy, Ngài hóa độ được các vị sư cậu Đinh Văn Ninh, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Nghi.
Cuối năm 1927, chánh quyền Pháp cho phép khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười, Đức Ngài làm đơn xin khẩn hoang 2.000 mẫu khu vực xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẩm Thượng huyện Cao Lãnh tỉnh Sa Đéc (nay là ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười). Để công việc đồng áng có kết quả tốt, Ngài chủ trương đào kinh dẫn nước để vừa tưới tiêu rửa phèn, vừa làm giao thông đường thủy, hiện nay có tên gọi là kinh Mỹ Phước. Tín đồ và dân nghèo tứ xứ nhờ công tác khai khẩn nầy mà ổn định cuộc sống.
Đức Ngài cũng giao cho Đức Bà Cô Năm trông coi việc dệt vải ở ngọn Rạch Giông, với mười khung dệt vải ta. Thời gian nầy, tín đồ ở Bến Tre cung ứng nguyên liệu bằng cách trồng dâu, nuôi tằm kéo sợi. Hiện nay, Khu di tích Rạch Giông được xây dựng trên nền đất xưa kia đặt máy dệt vải.
Trong suốt thời kỳ mở đạo, Đức Bà Cô Năm và bốn vị Huấn Sư tiền hiền đã đóng góp công sức, tài lực, vật lực rất lớn trong việc gầy dựng nền tảng nhân sự trọng yếu, mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh miền Đông.
5. THÀNH LẬP HỘI PHẬT
Bấy giờ trên nước Việt Nam, làn sóng chấn hưng Phật giáo diễn ra mạnh mẽ, lan tỏa đều khắp với việc thành lập các Hội Phật học và các cơ quan lãnh đạo giáo lý.
Năm 48 tuổi (1933-Quí Dậu), Đức Ngài lên Chợ Lớn, gặp gỡ các môn đệ của Ngài, đa số là công tư chức, thương gia, để bàn tính việc thành lập một Hội Phật. Sau khi lập danh sách Ban Sáng lập, soạn thảo Điều Lệ, chọn nơi làm Hội quán trụ sở, rồi gởi đơn đến nhà đương cuộc xin thành lập một Hội Phật với tên gọi Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội. Số tín đồ bấy giờ rất đông, khắp Nam bộ, nơi nào cũng có.
Theo ghi chép của cư sĩ Ngộ Nhựt Trịnh Bảo Kim, khi ông Lương Văn Đường đại diện Ban Sáng lập báo cáo tình hình đưa đơn và hồ sơ xin phép thành lập Hội Phật lên Thống đốc Nam kỳ, phải qua sự đồng ý của ông Đốc Phủ sứ Trần Nguyên Chấn. Ông nầy muốn Tịnh Độ Cư Sĩ ghép chung với Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học để hoạt động, nên cứ chần chừ không chịu thông qua.
Bấy giờ, nhân ngày Tết Nguyên đán, Đức Tông Sư bèn hiệp cùng Ban Sáng lập đi chúc Tết ông Đốc Phủ sứ; trong phái đoàn có cư sĩ Ngộ Nhựt tháp tùng. Trước dáng vẻ uy nghiêm của Đức Ngài, cộng thêm giọng nói êm đềm thanh thoát mùi đạo vị, lời nói nhã nhặn không cao không thấp, ngôn từ không thiếu không dư, ông Đốc Phủ sứ bất giác sinh lòng kính cẩn, gọi Đức Ngài là Đại Sư, nêu lý do chưa đệ trình phê chuẩn.
Khi Đức Tông Sư nói đến chỗ đại ý rằng: “Tín đồ Tịnh Độ Cư Sĩ vẫn ủng hộ Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học bằng các hành động cụ thể… Xuất gia Tại gia, Hội nầy Hội khác, người Nam kẻ Bắc, Phật tánh vẫn không khác, cứu cánh vẫn đồng qui…
“Nay chủ trương và chí nguyện thành lập Hội Phật như thế thì xin được làm như thế.” Ông Trần Nguyên Chấn cười vui vẻ, hứa sẽ đệ trình lên Thống đốc Nam kỳ giải quyết.
Đầu năm sau (Giáp Tuất), ông Hội trưởng Lương Văn Đường được giấy phép của chính phủ Pháp phê chuẩn ngày 20/2/1934. Kể từ đây, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội chánh thức thành lập, mượn chùa Hưng Long Tự làm hội quán tạm, nay vẫn còn ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, Tp. HCM.
Ngày 25/7/1934, Ban Trị sự Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội triệu tập Hội nghị, suy cử vị Tông Sư để chủ trì công tác dạy Đạo trong toàn giáo hội. Sau lễ suy tôn, Đức Tông Sư đổi danh hiệu Trung Trí thành Minh Trí. Cuối năm đó, Đức Tông Sư Minh Trí hiệp với phái đoàn Ban Trị sự đi khắp Nam bộ để phát Phái Qui Y cho tín đồ.
Đại hội mùng 8 tháng 4 năm Bính Tý (1936), giáo hội làm lễ lạc thành Hội quán trung ương mới Tân Hưng Long Tự, hộ 16 Chợ Lớn. Phần đất nầy do bà Quách Thị Mười hiến tặng, có diện tích lớn, đủ sức chứa hàng ngàn người trong các dịp lễ hội. Nhân dịp lễ lạc thành, toàn thể tín đồ hội viên đồng lòng suy tôn Đức Minh Trí là vị Tông Sư lãnh đạo tối cao của giáo hội. Cũng theo đề xuất của Ban Trị sự Trung ương, Ngài đồng ý cho xuất bản tạp chí Pháp Âm ra hàng tháng để làm cơ quan truyền bá giáo lý, số đầu tiên được xuất bản đầu năm 1937.
Năm 60 tuổi (1946-Bính Tuất), Đức Tông Sư Minh Trí rời gia cư tại Tân Mỹ, ra chợ Sa Đéc bằng chiếc ghe lồng, có chở theo chút ít đồ tế nhuyễn để tản cư. Năm 62 tuổi (1948–Mậu Tý), do tình hình thời cuộc bất ổn diễn ra khắp nơi, Ngài thiên cư từ Sa Đéc lên Sài Gòn và ở luôn tại đây.
Cũng trong thời gian nầy, Hội quán tại Phú Định bị thiêu hủy do chiến tranh, giáo hội xây dựng Hội quán mới Tân Hưng Long Tự tại đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Chợ Lớn, nay là trụ sở Thành hội thành phố Hồ Chí Minh.
6. TRIỂN KHAI TÔN CHỈ PHƯỚC HUỆ SONG TU
Năm 65 tuổi (1950-Canh Dần), để nâng cao trình độ tu học của tín đồ, Ngài đề xướng tôn chỉ Phước Huệ Song Tu, dùng Y đạo thực hiện chủ nghĩa Từ Bi Bác Ái của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tôn chỉ Phước Huệ Song Tu, Ngài chủ trương thành lập Phòng thuốc Nam Phước thiện cùng khắp các tỉnh, từ thành thị đến thôn quê để thực hành Y đạo, và cũng là thực hiện hoài bão của Ngài từ thuở nhỏ. Về vật lực, Ngài khuyến khích các chức sắc, tín đồ, hội viên, cùng nhau đóng góp xây dựng các Phòng thuốc Nam Phước thiện, trong đó phải kể đến vai trò rất lớn của ông Huỳnh Văn Dơn. Trong những năm trước đó, rất nhiều vị đệ tử được Đức Tông Sư chứng minh năng lực Y đạo, nên khi các Phòng thuốc được thành lập, giáo hội đã có sẵn nhân sự. Đặc biệt, với sự chứng minh của Đức Tông Sư, Y trưởng Nguyễn Văn Khanh đã sáng tác, hoàn thiện các bộ sách Nam Y dược đủ mọi lãnh vực, đồng thời đảm nhiệm việc đào tạo Y sĩ Nam dược, đặt nền móng cho cơ quan tu Phước.
Về môn tu Huệ, ngoài những kinh đã ấn hành từ những năm 1934, các vị Huấn Sư, Giảng Sư, Phó Giảng Sư thế hệ thứ hai do Đức Tông Sư cử tuyển, đã có những đóng góp rất lớn trong việc phổ cập giáo lý sâu rộng đến quãng đại tín đồ thông qua công tác soạn thảo, xuất bản, giảng huấn, hoằng pháp, đặt nền móng cho cơ quan tu Huệ.
Bản Điều Lệ của giáo hội được tu chỉnh cuối năm 1953 đã tạo điều kiện cho việc thành lập các Chi hội trên toàn quốc. Giai đoạn nầy giáo hội đã thành lập được 110 Hội quán, tất cả đều có Phòng thuốc Nam Phước thiện.
Trong phần Nội Qui, Đức Tông Sư nhắn nhủ: “Tôn trọng và hành theo nội qui của giáo hội vạch ra, như thế là vâng lời Phật dạy, đáp ơn thầy, trả nghĩa bạn và cũng làm cho Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam được trường tồn vĩnh viễn.”
Năm 71 tuổi (1956-Bính Thân), Ngài ban hành Nội qui Ban Đạo đức, trong đó xác định những kinh điển cốt yếu cho việc tu học, đồng thời minh định danh hiệu chức sắc từ thấp lên cao. Cuối năm đó, tại giảng đường Tân Hưng Long Tự, Ngài giảng giải phân minh hai chữ Đạo đức và phương pháp thực hành trong đời sống hằng ngày. Ở phần mở đầu, Ngài dạy: “Tu và học phải đi đôi, trước để xây dựng tư cách, tác phong Đạo đức, sau để làm nền tảng cho sự tu chứng giải thoát.”
7. VIÊN TỊCH
Năm 72 tuổi (1957-Đinh Dậu), Ngài đi khắp Lục tỉnh để từ giã, khi đó không ai có thể dè được. Trong chuyến đi nầy, Ngài tuyển thêm được hai vị Phó Giảng Sư tại Bạc Liêu, đặc biệt là Ngài có ghé thăm Rạch Giông, Tân Mỹ.
Năm 73 tuổi (1958-Mậu Tuất), nhân Lễ Phật đản, Ngài ban hành Huấn Từ để nhắn nhủ lần chót.
————————
HUẤN TỪ CỦA ĐỨC TÔNG-SƯ MINH-TRÍ
Nầy chư Thiện Hữu Tri Thức !
• Thành lập Ban Y-Tế Phước-Thiện, tôi chẳng có ý dành riêng cho các y-sĩ y-sanh tu Phước, mà để cho tất cả các sắc hội-viên và toàn thể thiện nam tín nữ tu Phước.
• Cũng như thế, tôi thành lập Ban Đạo-Đức, chẳng phải chỉ dành riêng cho các chức sắc tu Huệ, mà để cho toàn thể hội-viên và thiện nam tín nữ tu Huệ.
• Tinh tấn thực hành «Phước Huệ Song Tu» là lên đường Giải-Thoát.
• Tinh tấn thực hành «Phước Huệ Song Tu» là đường về Cực-Lạc.
Tôi tha thiết khuyên-nhủ tất cả lớn nhỏ, nam nữ ghi lấy, nhớ lấy.
TÔNG-SƯ MINH-TRÍ
————————
Đúng 23 giờ khuya đêm 22 rạng ngày 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (1958), Ngài viên tịch tại Tân Hưng Long Tự, 282 đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Chợ Lớn.
Lễ an táng nhằm ngày 30/8 Mậu Tuất tại Liên Hoa Điện, tọa lạc trên khu đất cũ ở hộ 16, Phú Định. (Khoảng sáu năm sau, tái thiết hội quán, từ đó gọi là Tổ đình Hưng Minh Tự.)
Trong thời gian quàn linh cữu, để lo liệu việc mai hậu, Ban Trị sự trung ương lập ra Ba Điều Thệ Nguyện cho toàn giáo hội trước khi phát tang.
Đức Ngài tuy đã đi xa, nhưng mãi vẫn là vị Thượng Sư Chứng Minh, người Thầy dạy đạo tối cao duy nhứt trong toàn giáo hội, đạo lực vô ngại, độ khắp kẻ âm người dương.

Nội Dung Liên Quan

Sáng nay, “mưa vàng” xuất hiện nhiều nơi

Sáng 2-5, tại một số khu vực TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, cơn “mưa vàng” kéo dài 15 phút đã góp phần giải khát...

5 siêu lợi ích khi dùng gừng mỗi ngày

Gừng là một gia vị rất phổ biến và là thảo mộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cả y học hiện đại...

Top 7 các loại cây thuốc nam quý có tác dụng chữa bệnh ở Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Cùng điểm qua 7 loại cây thuốc nam quý có tác...

Mới Cập Nhật

Sáng nay, “mưa vàng” xuất hiện nhiều nơi

Sáng 2-5, tại một số khu vực TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, cơn “mưa vàng” kéo dài 15 phút đã góp phần giải khát...

5 siêu lợi ích khi dùng gừng mỗi ngày

Gừng là một gia vị rất phổ biến và là thảo mộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cả y học hiện đại...

Top 7 các loại cây thuốc nam quý có tác dụng chữa bệnh ở Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Cùng điểm qua 7 loại cây thuốc nam quý có tác...

Đẹp lắm hình ảnh miễn phí phục vụ tại lễ hội chùa Bà (Bình Dương)

Đêm 21 và sáng 22-2, hàng trăm tổ chức, cá nhân của TP.Thủ Dầu Một đã phát hơn 10.000 ổ bánh mì, hơn 1.000...

Hội CCB phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một: Tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, Hội CCB phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức nhiều hoạt động Đảng mừng...